Bàn chút về câu hỏi "Bạn là ai?"
By Huy Van
Mới đọc xong quyển Homo Deus: A Brief History of Tomorrow của tác giả Harari thấy có 1 đoạn khá thú vị về cái gọi là “bản thân mình” (self) nên tổng hợp lại 1 chút về chủ đề này.
Mình vốn là người rất kém trong việc giới thiệu bản thân khi gặp 1 người mới, vì chính mình cũng không hiểu rõ mình là người như thế nào. Gần đây mới làm thử trắc nghiệm tính cách trên 16personalities thì ra kết quả là INTP - the logician, tạm dịch là nhà logic học. Wikipedia cũng có 1 bài viết khá súc tích về loại tính cách này: https://vi.wikipedia.org/wiki/INTP. Có vẻ cũng nhiều cái đúng.
Quay lại về chủ đề “bản thân mình”. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng lại không hề đơn giản. Cũng không phải ngẫu nhiên mà phần lớn mọi người dành cả tuổi trẻ để khám phá xem “mình là ai”, “khả năng của mình đến đâu”. Harari có đề cập đến 1 thuyết: thực ra có 2 bản thân mình: 1 là experiencing self, 2 là narrative self. Experiencing self tạm hiểu là bản thân mình thời điểm hiện tại, narrative self là bản thân mình được thuật lại. Chẳng hạn khi bạn chẳng may đá phải chân bàn, bạn thấy đau tại thời điểm đó. Đó là experiencing self. Đến ngày hôm sau, cái đau đó biến mất, nhưng khi nhìn thấy cái bàn bạn lại nhớ đến cái đau đó. Những kinh nghiệm và cảm nhận bạn tổng hợp được từ vụ đá cái bàn đó sẽ trở thành narrative self của bạn. Và khi có ai đó hỏi bạn hãy giới thiệu bản thân mình, bạn sẽ nói về cái narrative self đó.
Thuyết này khá thú vị. Bởi vì từ trước đến nay mình luôn nghĩ “bản thân mình” là 1 thực thể đồng nhất, có 1 và chỉ 1 mà thôi. Nhưng không phải thuyết này là không có lý. Có 1 thí nghiệm là cho các tình nguyện viên ngâm tay vào bình nước lạnh. Lần đầu, bình nước được điều chỉnh nhiệt độ ở mức 13°C. Các tình nguyện viên sẽ phải ngâm trong khoảng thời gian 3 phút (tất nhiên là không đặt đồng hồ để họ biết là ngâm trong thời gian bao lâu). Chú ý là 13°C là mức nhiệt độ khá lạnh và chắc chắn bạn sẽ không hề dễ chịu khi phải ngâm tay vào đó. Các tình nguyện viên sẽ được nghỉ 1 thời gian trước khi đến lần 2, họ sẽ phải ngâm tay trong nước 13°C cũng trong thời gian 3 phút, và sau đó nhiệt độ nước sẽ được bí mật điều chỉnh lên 14°C và tiếp tục để họ ngâm tiếp trong thời gian 30s. Mức chênh lệch 1°C là rất khó để người thường có thể cảm nhận được, nhất là khi tay cũng đã mất cảm giác. Sau khi ngâm, các tình nguyện viên sẽ được hỏi là lần nào bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Theo lẽ thông thường, ngâm lần 2 vừa phải chịu mức nhiệt độ 13°C dài như lần 1, vừa phải ngâm nước lạnh thêm như thế chắc chắn sẽ khó chịu hơn. Thế nhưng câu trả lời lại là phần lớn mọi người cảm thấy lần 2 dễ chịu hơn lần 1. Tại sao lại như vậy? 1 cách giải thích được đưa ra đó là khi được hỏi câu hỏi đó thì narrative self sẽ đưa ra câu trả lời. Và narrative self mặc dù làm nhiệm vụ tổng hợp trải nghiệm nhưng nó làm việc không thực sự tốt. Thứ nhất, nó không đo chính xác được dữ liệu thời gian. Thứ hai, nó không đo chính xác được dữ liệu nhiệt độ. Người ta đã nghiên cứu được rằng, narrative self chỉ nhớ thời điểm đạt đỉnh và thời điểm khi kết thúc rồi chia trung bình ra để đánh giá toàn bộ quá trình. Như thế có nghĩa là thời điểm lạnh nhất là 13°C, thời điểm cuối cùng là 14°C, trung bình sẽ là 13.5°C, rõ ràng là lớn hơn 13°C nên là lần 2 sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Nghe vẻ có lý nhưng mà mình không được tham gia trực tiếp thí nghiệm nên là vẫn hơi nghi ngờ. Mình bắt đầu nghĩ xem có cái gì tương tự không. Chợt nghĩ đến chuyện yêu đương. Khi hỏi 1 người bạn là mày nghĩ gì về mối tình cũ. Nó bảo là giờ chẳng cảm thấy gì. Câu trả lời của nó có thể giải thích được là nó đã chia trung bình 2 thời điểm: 1 là lúc nó trong giai đoạn yêu nhất, 2 là lúc kết thúc (chia tay). 2 cái đó bù trừ cho nhau nên thành ra giờ chẳng còn gì. Rõ ràng là thời gian yêu dài hơn rất nhiều so với thời gian chia tay. Nhưng narrative self đã bỏ qua tất cả dữ liệu thời gian nên kết quả thành ra như thế. Cũng hợp lý đấy chứ. Lại nghĩ có những đôi sau khi chia tay thành kẻ thù của nhau luôn, chắc là lúc kết thúc nó bị xuống nhiều quá nên khi chia trung bình thành ra âm luôn.
Tiếp thêm 1 ví dụ khác về 2 cái self này. Bạn đã bao giờ quyết tâm hoàn thành 1 việc gì đó để cải thiện bản thân trở nên tốt hơn chưa? Chẳng hạn quyết tâm chạy bộ 3 lần 1 tuần, quyết tâm hàng ngày dậy sớm… Người mà bạn quyết tâm đó chính là narrative self, nhưng oái ăm thay người mà thực hiện lại là experiencing self. Và thông thường experiencing self thì không “vĩ đại” được như narrative self kia. Thành ra bạn duy trì được 2, 3 tuần rồi vì lý do ngoại cảnh nào đó bạn bỏ cuộc. Cũng không trách được vì experiencing self và narrative self là khác nhau mà. Kiểu như boss bạn bắt bạn làm 1 việc gì đó mà bạn không thích ấy :D.
Giờ thì mình thấy thuyết tồn tại 2 self này cũng hợp lý. Mình cũng đã hiểu vì sao mà mình kém trong việc giới thiệu bản thân. Việc tách ra 2 self cũng giúp mình hiểu rõ hơn bản thân mình trong nhiều tình huống cụ thể. Nếu bạn cũng đang gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi “Bạn là ai?” thì hy vọng thuyết này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn 1 chút trong việc khám phá bản thân mình.
Ghi chú: bài viết này được tổng hợp bằng narrative self của mình sau khi experiencing self đã đọc xong quyển sách cách đây 1 tháng, nên 1 vài số liệu và chi tiết có thể không chính xác.